Tại Hệ thống giáo dục Tân Thời Đại, giáo dục sớm được triển khai ngay từ bậc học Mầm non với đội ngũ chuyên gia cố vấn hàng đầu trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc tổ chức các hội thảo tư vấn giáo dục sớm cho cha mẹ trẻ, trong khi hầu hết các hệ thống ngoài công lập lựa chọn đón trẻ từ 18 hoặc 24 tháng tuổi – khi trẻ đã khá thành thạo các kỹ năng vận động, giao tiếp, Tân Thời Đại thực hiện đón trẻ từ 12 tháng tuổi. Với sự cố vấn của TS. Chu Thị Hồng Nhung – Trưởng phòng Phát triển Chương trình GDMN của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Tân Thời Đại xây dựng Chương trình riêng cho trẻ 12 - 18 tháng tuổi với hơn 200 hoạt động, bao quát các lĩnh vực và mức độ phát triển của trẻ.
Với quan điểm đồng hành từ nhận thức đến hành động, Tân Thời Đại mở chuyên mục GIÁO DỤC SỚM. Tại đây, Tân Thời Đại và các chuyên gia sẽ chia sẻ và cập nhật các kiến thức về giáo dục sớm để Quý Phụ huynh cùng tham khảo.
TÌNH CẢM XÃ HỘI ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
CỦA TRẺ MẦM NON
TS. Lê Thị Luận, ThS. Nguyễn Thị Thủy
và nhóm nghiên cứu
1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã quan tâm nhiều đến nghiên cứu về TCXH và vai trò của tình cảm xã hội đối với sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non. TCXH giúp trẻ thích ứng với hoàn cảnh khi vui, buồn, giận dữ… đã tạo ra những biến đổi về tâm sinh lý, thể chất, sức khỏe và TCXH còn thúc đẩy hay kìm hãm và điều kiển, điều chỉnh hoạt động, hành vi cũng như thúc đẩy quá trình phát triển nhận thức, ngôn ngữ của trẻ.
2. Lý luận về tình cảm xã hội của trẻ MN
2.1. Khái niệm tình cảm, các mức độ của tình cảm
Các nhà tâm lý học đã có rất nhiều cách hiểu khác nhau về tình cảm:
Từ điển thuật ngữ Tâm lý học của tác giả Vũ Dũng [1] chủ biên cho rằng “Tình cảm là những trạng thái xúc cảm ổn định của con người đối với những sự vật, hiện tượng của hiện thực, phản ánh ý nghĩa của chúng trong mối liên quan với nhu cầu và động cơ của họ”.
Theo từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam: “Cảm xúc hay tình cảm là một hình thức trải nghiệm cơ bản của con người về thái độ của chính mình đối với sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, với người khác và với bản thân. Sự hình thành cảm xúc là một một điều kiện tất yếu của sự phát triển con người như là một nhân cách”.
Tác giả Nguyễn Quang Uẩn [6], 2012, cũng đã chỉ ra rằng: “Tình cảm là những thái độ thể hiện sự rung cảm của con người đối với những sự vật, hiện tượng có liên quan tới nhu cầu và động cơ của họ”.
Từ các cách hiểu trên trong bài viết này, chúng ta có thể hiểu “Tình cảm là những thái độ thể hiện sự rung cảm của con người đối với những sự vật, hiện tượng có liên quan tới nhu cầu và động cơ của họ”.
Tình cảm: Đó là một thái độ ổn định của con người đối với hiện thực xung quanh và đối với bản thân mình, nó như là một thuộc tính ổn định của nhân cách. Tình cảm được chia thành hai loại :
Tình cảm cấp thấp: Là tình cảm liên quan đến sự thõa mãn những nhu cầu sinh vật của cơ thể (Như nhu cầu về mặt sinh học)
Tình cảm cấp cao là tình cảm liên quan đến những thoã mãn những nhu cầu mang tính chất xã hội và nó nói lên thái độ của con người đối với những mặt khác nhau của đời sống xã hội. Tình cảm cấp cao gồm: Tình cảm đạo đức; Tình cảm trí tuệ; Tình cảm thẩm mỹ; Tình cảm hoạt động; Tình cảm mang tính chất thế giới quan; Tình cảm xã hội.
2.2. Tình cảm xã hội và các thành tố của tình cảm xã hội ở trẻ 0-6 tuổi
2.2.1. Khái niệm Tình cảm xã hội
Theo nhà tâm lý học xã hội, A.G Kovaliop cho rằng: “Tình cảm xã hội là những cấu trúc tâm lý bền vững hay là những thuộc tính tâm lý của một cá nhân riêng rẽ cũng như của những nhóm người có tổ chức. Tình cảm nói lên đặc điểm trong thái độ cảm xúc của con người đối với những mặt khác nhau của đời sống xã hội” [4].
Theo từ điển Bách khoa toàn thư mở “Tình cảm xã hội (Social Emotion) là những tình cảm phụ thuộc vào suy nghĩ, cảm xúc hoặc hành động của người khác” [14].
Theo tác giả Jack P. Shonkoff trong nghiên cứu của mình cho rằng “Tình cảm xã hội (Social Emotion) là những cảm xúc thể hiện sự trải nghiệm khác nhau của con người phụ thuộc vào suy nghĩ, cảm xúc hoặc hành động của bản thân và người khác, "như đã trải nghiệm, nhớ lại, dự đoán hoặc tưởng tượng ngay từ đầu"... Tình cảm xã hội đôi khi được gọi là tình cảm đạo đức, bởi vì chúng đóng vai trò quan trọng trong hành vi đạo đức và ra quyết định về đạo đức [14].
Từ các định nghĩa trên, có thể hiểu “Tình cảm xã hội là một thuộc tính tâm lý ổn định thể hiện thái độ của con người đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội, biểu hiện ở khả năng hiểu và quản lý cảm xúc, cảm nhận và thể hiện sự đồng cảm, thiết lập và duy trì mối quan hệ tích cực và đưa ra quyết định có trách nhiệm”.
2.2.2. Tình cảm xã hội của trẻ mầm non
Định nghĩa về tình cảm xã hội của trẻ mầm non cũng đã được các nhà khoa học quan tâm và đưa ra các quan niệm, cách hiểu khác nhau như sau:
Theo CASEL (Cộng tác cho học tập, xã hội và học tập cảm xúc) một tổ chức có trụ sở tại Đại học Illinois, định nghĩa “Tình cảm xã hội của trẻ MN là quá trình trẻ em và người lớn hiểu và quản lý cảm xúc, thiết lập và đạt được mục tiêu tích cực, cảm nhận và thể hiện sự đồng cảm với người khác, thiết lập và duy trì các mối quan hệ tích cực và đưa ra quyết định có trách nhiệm” [21].
Hay “Tình cảm xã hội của trẻ MN là khả năng hiểu được cảm xúc bản thân và của người khác, kiểm soát cảm xúc và hành vi của chính mình, hòa đồng với những đứa trẻ khác và xây dựng mối quan hệ với người lớn”. [15]
“Tình cảm xã hội của trẻ MN là khả năng xác định và hiểu cảm xúc của chính mình, đọc và hiểu chính xác trạng thái cảm xúc ở người khác, quản lý cảm xúc mạnh mẽ và biểu hiện của họ theo cách xây dựng, điều chỉnh hành vi của chính mình, phát triển sự đồng cảm với người khác và để thiết lập và duy trì các mối quan hệ”. (Hội đồng khoa học quốc gia về trẻ em đang phát triển 2004, 2).
Từ các nghiên cứu trên có thể hiểu: Tình cảm xã hội của trẻ là một thuộc tính tâm lý ổn định thể hiện thái độ của trẻ đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội, thể hiện ở khả năng trẻ nhận biết và biểu lộ cảm xúc bản thân, hiểu và quản lý cảm xúc, cảm nhận và thể hiện sự đồng cảm, đồng thời thiết lập và duy trì mối quan hệ tích cực và đưa ra quyết định có trách nhiệm với bản thân.
2.2.3 Các thành tố của tình cảm xã hội ở trẻ 0-6 tuổi
Các nghiên cứu đề cập đến thành tố của tình cảm xã hội, dù cách gọi khác nhau (năng lực, thành phần, yếu tố…) [1]. [16]. [19]. [20]. [21], nhưng các nghiên cứu đều đồng nhất với 5 thành tố (năng lực cốt lõi) tình cảm xã hội của trẻ MN là:
(1) Tự nhận thức về bản thân
Nhận thức về bản thân liên quan đến sự tự hiểu biết về cảm xúc của mình, mục đích cá nhân và những giá trị. Điều này nghĩa là trẻ nhận ra cảm xúc của riêng mình, xác định và gọi tên cảm xúc của mình.
(2) Tự quản lý
Điều này chỉ đơn giản là trẻ tự biết kiểm soát cảm xúc và hành vi của chính trẻ. Điều này bao gồm khả năng trì hoãn sự hài lòng, quản lí căng thẳng, kiểm soát xung lực và kiên trì vượt qua những thách thức để đạt được các mục đích cá nhân và giáo dục.
(3) Nhận thức xã hội
Nhận thức xã hội của trẻ liên quan đến khả năng hiểu, đồng cảm và cảm thông với những trẻ em và người lớn có nền văn hóa khác nhau. Nó cũng liên quan đến những hiểu biết về các chuẩn mực xã hội đối với các hành vi và sự công nhận các nguồn lực và hỗ trợ của gia đình, trường học và cộng đồng của đứa trẻ.
(4) Kỹ năng quan hệ
Mối quan hệ thành công đòi hỏi khả năng xử lý xung đột một cách có trách nhiệm, trẻ thiết lập và duy trì các mối quan hệ lành mạnh và bổ ích và thực hiện các hành động phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Các kỹ năng này liên quan đến việc giao tiếp thông minh, lắng nghe tích cực, hợp tác, chống lại áp lực xã hội không thích hợp, đàm phán xung đột, xây dựng và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Trẻ biết tôn trọng sự khác biệt của mọi người, chống lại việc so sánh trẻ với những đứa trẻ khác và quan trọng nhất là trẻ biết xin lỗi khi gây rối hoặc mắc lỗi.
(5) Ra quyết định có trách nhiệm
Đưa ra lựa chọn tích cực về hành vi cá nhân và xã hội của trẻ sẽ là chìa khóa thành công cho trẻ trong cuộc sống. Việc ra quyết định có trách nhiệm bao gồm việc trẻ học cách đưa ra các lựa chọn mang tính xây dựng về hành vi cá nhân và tương tác xã hội thông qua các môi trường khác nhau của trẻ. Khuyến khích lòng tự trọng lành mạnh của trẻ.
3. Vai trò của tình cảm xã hội đối với sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non
TCXH là tiền đề quan trọng cho sự phát triển toàn diện ở trẻ mầm non cũng như góp phần tạo nên các tiền đề quan trọng như: khả năng độc lập, sự tập trung, mạnh dạn, tự tin… và hình thành những kỹ năng cần thiết cho việc học tập sau này của trẻ ở trường phổ thông và cho cuộc sống sau này của trẻ.
3.1. Vai trò của TCXH đối với sự phát triển nhận thức
Các nghiên cứu về não bộ chỉ ra rằng TCXH và nhận thức là những quá trình có mối quan hệ mật thiết với nhau. Các cấu trúc não liên quan đến mạch thần kinh của nhận thức ảnh hưởng đến TCXH và ngược lại. Ở trẻ nhỏ với sự điều chỉnh TCXH lành mạnh có xu hướng đạt được kết quả học tập cao hơn ở trường (Barrett, et al, 2007).
TCXH đòi hỏi trẻ phải nhận thức được các trạng thái tinh thần của chính trẻ, cũng như của những người xung quanh; giúp trẻ nhận diện được các hành vi không phù hợp với chuẩn mực xã hội xung quanh khiến trẻ phải điều chỉnh cảm xúc, hình thành ở trẻ các cảm xúc tích cực, giảm thiểu các cảm xúc tiêu cực. Các hành vi xã hội tích cực thường làm nảy sinh những cảm xúc xã hội mạnh mẽ (ví dụ: niềm tự hào, tình yêu và sự ngưỡng mộ) kích thích trẻ hướng đến những điều tốt đẹp [13].
TCXH là một trong những yếu tố thúc đẩy sự thành công trong các hoạt động nhận thức của trẻ mầm non. Theo đó, để có thể thực hiện các hoạt động TCXH đòi hỏi trẻ phải đạt đến một mức độ nhận thức nhất định [1]. Phát triển TCXH kích thích nhu cầu ham hiểu biết của trẻ, tăng cường ở trẻ khả năng quan sát, chú ý, ghi nhớ có chủ định, tăng cường khả năng làm theo hướng dẫn, kiên trì bất chấp sự thất vọng hoặc chán nản. Các năng lực về nhận thức và TCXH được gắn kết chặt chẽ về mặt chức năng và sinh học. Khi nhận thức cũng như ngôn ngữ càng được nâng cao thì các TCXH của trẻ trở nên tinh tế và ngược lại.
TCXH góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển về mặt nhận thức, hình thành và phát triển năng lực cá nhân, trang bị cho trẻ những kĩ năng sống để giúp trẻ hòa nhập vào cộng đồng xã hội. Nếu trẻ gặp khó khăn trong sự phát triển TCXH sẽ bị hạn chế trong các hoạt động nhận thức. Ngược lại những trẻ gặp khó khăn trong hoạt động học tập khó có thể chơi cùng hoặc hiểu được các nhu cầu cũng như cảm giác của những trẻ khác [23].
Sự phát triển tình cảm xã hội trong những năm đầu đời tạo tiền đề và chuẩn bị cho trẻ tự tin, tin tưởng, đồng cảm, ham hiểu biết, có khả năng sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp và có khả năng liên hệ tốt với người khác. Phát triển tình cảm xã hội ngay từ những năm đầu đời sẽ giúp trẻ được trải nghiệm, quản lý và thể hiện đầy đủ các cảm xúc tích cực và tiêu cực, phát triển mối quan hệ gần gũi với những người xung quanh, kích thích nhu cầu tìm hiểu, khám phá môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh [22]
Như vậy, phát triển TCXH của trẻ gắn liền với sự phát triển về các mặt nhận thức. Phát triển TCXH tích cực cần được quan tâm giáo dục trẻ ngay từ những năm tháng ấu thơ, tạo nền tảng vững chắc để trẻ em có một tương lai vững chắc sau này.
3.2. Vai trò của TCXH đối với sự phát triển ngôn ngữ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Hành vi ngôn ngữ khá phức tạp biểu lộ không chỉ các loại cảm xúc cơ bản của con người, nó còn phản ánh các sắc thái của từng loại cảm xúc. Biểu hiện qua âm thanh, ngôn ngữ: từ - câu, thông qua giọng điệu, cách phát âm, tốc độ lời nói, thanh điệu cao thấp, giọng nói nặng nhẹ, ngắn dài phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh giao tiếp để thể hiện các tình cảm xã hội. Ngôn ngữ nói phản ánh sự khác biệt của trẻ về mặt cảm xúc ở cách phát âm và giọng điệu hay ngữ điệu [7].
Khi mới sinh trẻ truyền tín hiệu cho người thân qua các âm thanh – mức độ thấp nhất của ngôn ngữ như: khóc, thét lên. Dần dần khi lớn lên ngôn ngữ được hình thành và phát triển: trẻ nói được một số âm, từ, câu đơn giản; Khi bước vào tuổi mẫu giáo ngôn ngữ nói của trẻ đã phát triển mạnh mẽ. Ở trẻ mẫu giáo bé, tuy không dễ dàng, nhưng đã xuất hiện những cố gắng để kiềm chế những biểu hiện tình cảm của mình như cố không khóc. Đến mẫu giáo lớn, nhờ ngôn ngữ, trẻ bắt đầu biết kiềm chế phần nào những biểu hiện mạnh mẽ, đột ngột của tình cảm như kiềm chế nước mắt, sự sợ hãi. Trẻ biết cách thể hiện các sắc thái của tình cảm bằng ánh mắt, nụ cười, nét mặt, điệu bộ, tư thế, cử chỉ, ngữ điệu của lời nói.
Tình cảm xã hội giúp cho trẻ có những trải nghiệm khác nhau trong đời sống. Cảm nhận được những điều người khác thể hiện với mình, đồng thời giúp cho trẻ biết thể hiện phù hợp với người khác trong từng hoàn cảnh cụ thể. Những trẻ thiếu tự tin, rụt rè, khó hợp tác trong quan hệ với bạn bè… sẽ ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp, biểu đạt bằng ngôn ngữ. Như vậy sẽ làm chậm sự phát triển ngôn ngữ của chúng [21].
Tình cảm xã hội của trẻ được phát triển tốt sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành thái độ tích cực đối với cuộc sống và thái độ thiện chí đối với mọi người, giúp trẻ trở thành người giàu xúc cảm, tự tin, dạy cho trẻ biết xử lí một cách có kết quả bằng xúc cảm của chính mình và sự đồng cảm với những người khác sẽ đem lại cho trẻ một phương tiện cần thiết để phát triển và hoàn thiện bản thân [2].
Qua đây, chúng ta nhận thấy: Tình cảm, tình cảm xã hội của trẻ phát triển tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngôn ngữ ở trẻ (Ví dụ, ở trẻ mẫu giáo, khi giao tiếp mà vốn từ còn nghèo nàn, trẻ có thể nghĩ ra cách diễn đạt của riêng mình. Chẳng hạn, bé trai 5 tuổi nhìn vào hộp, trong đó, những chiếc bánh được để lộn xộn, cháu nói: - “Bánh không xếp hàng tu tu thế này này”. (Ý cháu nói, bánh không được xếp trật tự ngay ngắn như các toa tàu nối đuôi nhau). Hoặc, cháu Hoàng, 4 tuổi, đã đòi: - “Cho con “to” cơ !”(“nhiều”), khi bố mẹ chia nước ngọt vào hai cốc cho hai anh em [8].
3.3. Vai trò của TCXH đối với hoạt động, hành vi của trẻ
Đối với trẻ mầm non TCXH đóng vai trò quan trọng trong hoạt động, hành vi của trẻ.
Mỉm cười là một phản ứng xã hội giai đoạn đầu: Di truyền và môi trường có ảnh hưởng đến cử chỉ cười, đây là một phản ứng xã hội thường được nghiên cứu. Không phải tất cả các nụ cười của trẻ đề là phản ứng về xã hội. Ví dụ, đôi khi trẻ sơ sinh cười như là một phản xạ khi có ai đó vuốt ve đôi môi của chúng (Gewirtz, 1965). Nụ cười chỉ được xem là phản ứng xã hội khi chúng được kích thích bởi tác nhân xã hội, như các vẻ mặt và giọng nói. Những nụ cười có tính chất xã hội được bắt đầu ở trẻ khi chúng được 3 - 8 tuần tuổi;
Sự gắn bó: Di truyền và môi trường cũng có tác động qua lại với nhau để quyết định những hành vi mang tính xã hội khác. Trong đó sự gắn bó là một hành vi quan trọng, đó là xu hướng đứa bé tìm kiếm sự gần gũi với những người nhất định. Sự gắn bó của con người thường phát triển theo 3 bước trong suốt 6 tháng đầu đời: (1) Trẻ sơ sinh lần đầu tiên biểu lộ sự thích thú với những người xung quanh nhiều hơn với bất kỳ vật thể nào mà chúng thấy; (2) Sau đó chúng lại biểu thị sự thích thú với những người quen nhiều hơn so với người không quen; (3) Và cuối cùng, chúng gắn bó với một số người nhất định, thường là mẹ hay những người chăm sóc chủ yếu. Những gắn bó này tạo nên nền tảng cho sự phát triển nhân cách và xã hội sau này. Những đứa trẻ có gắn bó an toàn thường có biểu hiện chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau hơn, ít khóc nhè và ít đánh nhau với các trẻ khác hơn khi chúng được 3 tuổi. Slade (1987) nhận thấy, những đứa trẻ từ 20 - 28 tháng tuổi có gắn bó an toàn thường tham gia vào các trò chơi có tính chất hình tượng hơn (chơi “giả bộ”). Rõ ràng sự gắn bó lành mạnh với cha mẹ khuyến khích sự tò mò của trẻ trong việc giải quyết vấn đề và khuyến khích cả tính hào phóng của trẻ trong mối quan hệ với người khác. Có thể nói, mỉm cười và sự gắn bó trong giai đoạn đầu đời có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển tình cảm xã hội của cho trẻ sau này.
Ở tuổi mẫu giáo tình cảm nói chung và TCXH là mặt phát triển phong phú và sâu sắc chi phối mạnh mẽ cuộc sống của trẻ, là động lực mãnh liệt nhất thúc đẩy trẻ hành động. TCXH có vai trò “thống soái” trong hành động và trong cách cư xử của trẻ, trải nghiệm xã hội, tương tác xã hội và xúc động sẽ ghi lại những "dấu ấn” sâu sắc và bền chặt trong nhân cách của trẻ. Tình cảm xã hội còn có thể kích thích hay kìm hãm hành động của trẻ, không gì có thể mạnh bằng sức mạnh của tình yêu thương và lòng căm thù. Cảm xúc có thể củng cố, làm tăng thêm sức mạnh, tính kiên trì, khắc phục mọi khó khăn để đạt được mục đích của trẻ lại sự lạc quan, tự hào, hạnh phúc, thành công nhưng cảm xúc cũng có thể kìm hãm, ức chế hành động của trẻ làm cho trẻ tự ti, xấu hổ, chán ghét. Khi vui, mọi trẻ chơi và tham gia các hoạt động hiệu quả hơn, khi giận dữ, buồn bã có thể làm những việc mà mình không kiểm soát được, khi yêu thương người khác (bố mẹ, ông bà, cô, bạn, em...) trẻ có thể làm mọi việc thậm chí sẵn sàng hy sinh cả bản thân mình để bảo vệ (ôm chặt, che chắn, ngăn lại hành động của người khác)…
3.4. Vai trò của TCXH đối với sự phát triển sinh lý, thể chất, sức khỏe
3.4.1. Vai trò của TCXH đối với sự phát triển sinh lý
Các thông điệp chính từ khoa học thần kinh gần đây đã khẳng định rằng mối quan hệ chặt chẽ giữa gen và TCXH có ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý của trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Theo đó, cần tiến hành các can thiệp đầu đời sớm để giảm các cảm xúc căng thẳng và độc hại, kích thích sự tinh vi của não bộ ở trẻ [15].
Những trải nghiệm TCXH ban đầu của trẻ em sẽ góp phần hình thành và phát triển hệ thống thần kinh và sinh học tốt hay xấu. Những trải nghiệm căng thẳng của trẻ trong những năm tháng đầu đời có thể làm thay đổi sinh học thần kinh của trẻ theo. VD: Khi trẻ được sinh ra thế giới bạo lực những thay đổi về thần kinh có thể khiến trẻ luôn cảnh giác, khó kiểm soát cảm xúc, khó thành lập các mối quan hệ giao tiếp. Những phản ứng căng thẳng mãn tính khiến trẻ khó hợp tác với bạn, khó tập trung trong trường học cũng như trong công việc sau này [9].
TCXH có ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý, thần kinh của trẻ em. Điều này được thể hiện rõ trong mối quan hệ giữa môi trường sống và cảm xúc của trẻ. Khi sống trong môi trường thiếu hụt cảm xúc xã hội, trẻ em có phản ứng hành vi sinh học và rất dễ bị tổn thương trước các trải nghiệm căng thẳng. Ngược lại, nhờ có TCXH tích cực mà các mối quan hệ xã hội của trẻ trở nên tốt đẹp hơn, quan tâm đến nhau hơn. Tăng cường các kết nối chặt chẽ với những phản ứng sinh lý cụ thể trong hệ thần kinh trung ương, từ đó giúp thường xuyên có được cảm xúc tích cực hơn.
Những biểu hiện TCXH tích cực thúc đẩy trẻ hoạt động cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, mang đến cho trẻ sự phát triển sinh lý phù hợp. Vì sự phát triển của con người nói chung và trẻ nói riêng có mối quan hệ với nhu cầu và sự đáp ứng các nhu cầu và được biểu hiện ra bên ngoài như: khóc, đói, tò mò, ham hiểu biết…Khi cơ thể được thỏa mãn các nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu dinh dưỡng sẽ sản sinh năng lượng sẽ điều khiển các quá trình phát triển sinh lý theo định hướng phát triển sinh học của trẻ phù hợp [11].
TCXH gắn liền với quá trình phát triển của sinh lý thần kinh của trẻ. Khi trẻ quan sát lặp đi lặp lại một hành động làm tăng hoạt động của não dẫn đến những thay đổi phụ thuộc vào trải nghiệm trong các cụm thần kinh (Chong et al., 2008). Theo đó khi chơi thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hệ thống nơ-ron, tạo điều kiện cho khả năng hiểu hành động của người khác và bắt chước hành động của họ [12].
TCXH phát triển thông qua trải nghiệm trực tiếp bằng các giác quan đem đến cho trẻ những cảm xúc nền tảng khác nhau: hứng thú, hồi hộp, vui sướng, ngạc nhiên… Các cảm xúc này có nguồn gốc sinh học và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hệ thần kinh [6].
3.4.2. Vai trò của TCXH đối với sự phát triển thể chất
TCXH có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua với sự phát triển thể chất. Những cảm xúc tích cực có ảnh hưởng tốt đến sự phát triển thể chất, kích thích trẻ vận động, giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi cơ bắp. Ngược lại các hoạt động thể chất có thể cải thiện sức khỏe tinh thần bằng cách giảm và ngăn ngừa các tình trạng căng thẳng và trầm cảm, cũng như cải thiện tâm trạng và đem lại cảm giác sảng khoái vui vẻ cho trẻ.
Khi TCXH phát triển khuyến khích trẻ có cảm giác an toàn, tự tin và mạnh dạn thực hiện các vận động cơ bản phù hợp với độ tuổi, lẫy, bò, trườn, đi, chạy, nhảy…. Trước thế giới xung quanh rộng lớn, trẻ sẽ tự tin khám phá hơn nhờ vào việc trẻ cảm thấy cảm giác an toàn khi tham gia hoạt động. Ngược lại khi trẻ mạnh dạn, chủ động thực hiện các hoạt động thể chất sẽ kích thích sự phát triển TCXH lên mức độ mới cao hơn. Điều này giúp hình thành ở trẻ bản sắc và tính cách riêng của mỗi trẻ.
TCXH khuyến khích trẻ sử dụng các kỹ năng thể chất trong các hoạt động vui chơi khác nhau. VD: Trẻ có thể sử dụng các thao tác vận động tinh để chơi trò chơi xếp hình hoặc khám phá các nguyên vật liệu. Đối với những trẻ chậm về phát triển thể chất thì có thể khó khăn hơn khi tham gia hoạt động đòi hỏi sự hợp tác, phối hợp với những trẻ khác.
3.4.3. Vai trò của TCXH đối với sự phát triển sức khỏe
Các nghiên cứu gần đây cho thấy những trải nghiệm TCXH ban đầu định hình kiến trúc não và tác động đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Đặc biệt, ba năm đầu đời là thời kỳ phát triển não bộ nhanh chóng của con người. Một phần đáng kể của sự phát triển đó là kết quả tương tác xã hội của cá nhân với môi trường (Geake, 2009). Bộ não phát triển và tổ chức các chức năng của nó để đáp ứng trực tiếp với mô hình và cường độ của các kích thích giác quan và tri giác xảy ra trong môi trường trực tiếp. [12].
TCXH có mối quan hệ mật thiết với tình trạng sức khỏe của trẻ. Sự thỏa mãn hay không thỏa mãn của TCXH có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ tâm thần của trẻ. Có TCXH tích cực thì nhịp tim tăng nhẹ, giảm các hóc môn gây căng thẳng. Mặt khác khi cơ thể kém dinh dưỡng, trẻ phản ứng kém với các căng thẳng, giảm hấp thu sắt, giảm hấp thu proteins dẫn đến cơ thể mệt mỏi.
TCXH có liên quan đến sức khỏe của trẻ thể hiện qua các hoạt động giao tiếp của trẻ với mọi người xung quanh. Trẻ không thể có sự khỏe mạnh khi mà sự thể hiện cảm xúc trong giọng nói của trẻ thể hiện rõ sự mệt mỏi uể oải, ề à, đứt mạch [7]…
Nhu cầu về TCXH ở trẻ có từ rất sớm và khi nhu cầu được đáp ứng sẽ tạo nền tảng thành công trong trường học ở những giai đoạn tiếp theo cũng như trong sự nghiệp và cuộc sống sau này. Khi nhu cầu TCXH không được đáp ứng sẽ gây ra những thiếu hụt nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sự phát triển sức khỏe ở trẻ. Khi sống trong môi trường thiếu hụt TCXH (chẳng hạn: môi trường nhiều bạo lực, thiếu sự chăm sóc sức khỏe), trẻ dễ có phản ứng hành vi không phù hợp, dễ bị tổn thương và rất dễ bị gặp các vấn đề về sức khỏe so với các bạn cùng lứa.
TCXH là một phần cơ bản trong tổng thể sức khỏe và cảm giác thoải mái của trẻ, phản ánh và tác động đến hệ thống dây thần kinh và chức năng của bộ não đang phát triển và kéo dài từ cách trẻ em tương tác với người khác đến cách trẻ quản lý hoặc đối phó với khó khăn và căng thẳng.
TCXH ở trẻ ngay từ những năm đầu đời tạo thành một nền tảng quan trọng cho việc học, bảo vệ và giữ gìn sức khỏe đến tuổi trưởng thành. Trẻ càng khỏe mạnh, càng có nhiều khả năng tham gia vào trường học và cuộc sống với nền tảng vững chắc về các kỹ năng TCXH. Điều quan trọng là những kinh nghiệm và kỹ năng sẽ ảnh hưởng đến cách trẻ đối phó với thành công và khó khăn trong suốt cuộc đời của trẻ.
Như vậy, TCXH có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển nhận thức, sinh lý, thể chất, sức khỏe cũng như ngôn ngữ, hành động và hành vi của trẻ mầm non. Khi có sự phát triển TCXH lành mạnh sẽ tỉ lệ thuận với sự phát triển toàn diện các khía cạnh khác ở trẻ. Vì vậy, giáo dục phát triển TCXH cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời sẽ tạo điều kiện giúp trẻ được phát triển một cách tối ưu.
4. Đề xuất định hướng cho giáo dục phát triển tình cảm xã hội cho trẻ 0-6 tuổi
Vai trò của tình cảm xã hội đối với sự phát triển trẻ em là rất quan trọng. Việc phát triển ở trẻ khả năng nhận ra cảm xúc của mình, biết cách kiềm chế cảm xúc đúng mức, biết cách đánh giá hành động tiếp theo của mình, nhận ra cảm xúc của người khác... sẽ quyết định tính cách và cách cư xử của trẻ với mọi người. Trẻ có tình cảm xã hội tốt sẽ giao tiếp tốt, hòa đồng với bạn bè và dễ thích nghi với môi trường xung quanh. Những yếu tố sẽ tạo thành nền tảng tốt giúp trẻ thành công hơn trong cuộc sống sau này:
(1). Tự nhận thức liên quan đến việc hiểu cảm xúc, mục tiêu cá nhân và giá trị của chính mình. Điều này bao gồm đánh giá chính xác những điểm mạnh và hạn chế của một người, có tư duy tích cực và sở hữu ý thức căn bản về năng lực bản thân và sự lạc quan. Mức độ tự nhận thức cao đòi hỏi khả năng nhận ra cách suy nghĩ, cảm xúc và hành động được kết nối với nhau. Trẻ ở độ tuổi MN cải thiện khả năng kiểm soát cơ thể trong các hoạt động khác nhau trong suốt cả ngày, thay phiên nhau và trò chuyện với bạn bè, thừa nhận và sử dụng tên của chính mình và tên của người khác, và tự đánh giá và biết khi nào họ đưa ra lựa chọn phù hợp hoặc không phù hợp.
(2). Tự quản lý đòi hỏi các kỹ năng và thái độ tạo điều kiện cho khả năng điều chỉnh cảm xúc và hành vi của chính mình. Điều này bao gồm khả năng trì hoãn sự hài lòng, quản lý căng thẳng, kiểm soát các xung động và kiên trì vượt qua các thử thách để đạt được các mục tiêu cá nhân và giáo dục.
(3). Kỹ năng quan hệ giúp trẻ thiết lập và duy trì các mối quan hệ lành mạnh và bổ ích, và hành động theo các chuẩn mực xã hội. Những kỹ năng này bao gồm giao tiếp rõ ràng, lắng nghe tích cực, hợp tác, chống lại áp lực xã hội không phù hợp, đàm phán xung đột một cách xây dựng và tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết. Trẻ em ở độ tuổi MN tham gia chơi giả vờ với bạn bè và sử dụng các từ và câu để thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình. Mặc dù chúng vẫn có thể cần sự hỗ trợ của người lớn để chia sẻ đồ chơi với bạn bè.
(4). Điều tiết cảm xúc: Trẻ ở độ tuổi MN thể hiện cảm xúc theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, họ có thể nói rằng, tôi khó chịu, họ có thể kết hợp biểu cảm khuôn mặt với vui, điên hoặc buồn, hoặc họ có thể cười khi bị kích động. Đồng thời, họ cũng cải thiện khả năng quản lý cảm xúc của mình để phù hợp với tình huống và môi trường và kiểm soát cảm xúc của họ (ví dụ, dễ dàng tách khỏi các thành viên trong gia đình). Mặc dù trẻ mẫu giáo tốt hơn trẻ mới biết đi trong việc điều chỉnh cảm xúc, nhưng chúng vẫn cần rất nhiều sự giúp đỡ và thực hành với việc phát triển những hành vi thích hợp này.
(5). Ra quyết định có trách nhiệm: liên quan đến việc trẻ học cách đưa ra các lựa chọn mang tính xây dựng về hành vi cá nhân và các tương tác xã hội trên các tình huống, hoàn cảnh khác nhau. Nó đòi hỏi khả năng xem xét các tiêu chuẩn đạo đức, mối quan tâm an toàn, chuẩn mực hành vi chính xác cho các hành vi rủi ro, sức khỏe và hạnh phúc của bản thân và người khác và đánh giá thực tế về các hậu quả của các hành động khác nhau.
Kết luận
TCXH có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện nhân cách của trẻ: Phát triển TCXH là phát triển ở trẻ khả năng hiểu được cảm xúc của người khác, kiểm soát cảm xúc và hành vi của chính mình, hòa đồng với những đứa trẻ khác và xây dựng mối quan hệ với người lớn; hình thành và phát triển ở trẻ năng lực cá nhân, trang bị cho trẻ kỹ năng sống để giúp trẻ hòa nhập vào cộng đồng xã hội, là yếu tố cần thiết giúp trẻ học tập tốt ở tiểu học. GD phát triển TCXH cần được tiến hành trong một tổng thể bao gồm cả phát triển thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, thẩm mỹ ở trẻ MN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
[1]. Vũ Dũng (2012), Từ điển thuật ngữ Tâm lý học, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội.
[2]. http://mamnonvsk.vn/tin-tuc/920/Phat-trien-cam-xuc-cho-tre-mam-non--Tinh-cam-xa-hoi, ngày truy cập 29/7/2019.
[3]. D. Goleman (2002), Trí tuệ cảm xúc - Làm thế nào để biến những cảm xúc của mình thành trí tuệ, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
[4]. J. Kehoe (2004), Sức mạnh tinh thần tiến vào thế kỷ 21, NXB Trẻ, Hà Nội.
[5]. A.G Kovalop , Vũ Dũng dịch (1976), Tâm lý học xã hội, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[6]. Nguyễn Quang Uẩn (2012), Tâm lý học đại cương, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[7]. Ngô Công Hoàn (2005), Những biểu hiện cảm xúc và những biện pháp giáo dục cảm xúc cho trẻ từ 1 – 3 tuổi, Đề tài nghiên cứu cấp Bộ. Mã số: B 2004 – 75 – 115, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
[8]. Nguyễn Ánh Tuyết (2018), Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, NXB Đại Học Sư Phạm, Hà Nội.
Tiếng Anh
[9]. https://www.verywellmind.com/social-and-emotional-development-in-early-childhood, ngày truy cập 25/7/2019.
[10]. J. Cohen (2005), "Helping Young Children Succeed. Strategies to Promote Early Childhood Social and Emotional Development", National Conference of State Legislators.
[11]. J. L. Cooper, M. Rachel , V. Jessica (2009), "Social-Emotional Development in Early Childhood - What Every policymaker Should Know", National Center for Children in Poverty.
[12]. L. Fox , B. J. Smith (2007), "Issue brief: Promoting social, emotional and behavioral outcomes of young children served under IDEA", Challenging Behavior. Retrieved from http://challengingbehavior.fmhi.usf.edu/do/resources/documents/brief_promoting.pdf.
[13]. https://vi.diphealth.com/183-theories-of-emotion-2795717-63, ngày truy cập 26/7/2019.
[14]. http://www.casel.org/what-is-sel/, ngày truy cập 26/7/2019.
[15]. http://www.laccscd.org/articles/addressing-the-affective-domain/, ngày truy cập 26/7/2019.
[16]. https://casel.org/core-competencies/, ngày truy cập 25/7/2019.
[17]. https://developingchild.harvard.edu/wp-content/uploads/2004/04/Childrens-Emotional-Development-Is-Built-into-the-Architecture-of-Their-Brains.pdf, ngày truy cập 24/7/2019.
[18]. https://dmh.mo.gov/healthykids/parents/social-emotional-development.html, ngày truy cập 25/7/2019. [32].
[19]. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B9780080450469008603, ngày truy cập 29/7/2019.
[20]. Jelena Obradović, Nicole R. Bush, Juliet Stamperdahl, Nancy E. Adler , W. Thomas Boyce (2010), "Biological Sensitivity to Context: The Interactive Effects of Stress Reactivity and Family Adversity on Socio-Emotional Behavior and School Readiness", Child Development. 81 (1), pp. 270–289.
[21] https://slideplayer.com/slide/8642791/, ngày truy cập 25/7/2019.
[22] Early Childhood ConnectionsDirector of Education and Support First Step Child Care Center and Preschool, http://www.earlychildhoodconnections.com/, .
[23]https://www.researchgate.net/publication/202304272_What's_Social_About_Social_Emotions, ngày truy cập 26/7/2019.