Tiến sĩ kinh tế học Pasi Sahlberg, tác giả nổi tiếng của bộ sách Bài Học Phần Lan cho rằng: “Thật khó để tách rời hệ thống giáo dục Phần Lan ra khỏi chính sách xã hội và môi trường Phần Lan”. Sự thành công của Phần Lan hôm nay là bởi Phần Lan có nền giáo dục hiện đại với nền tảng triết lý giáo dục hiện đại thể hiện ở hệ thống các quan điểm, nguyên tắc, phương pháp giáo dục; về đội ngũ giáo viên và mối quan hệ tay trong tay giữa giáo viên với phụ huynh trong suốt quá trình trưởng thành của trẻ.
Hệ thống Giáo dục Tân Thời Đại đem đến cho Quý Phụ huynh cái nhìn toàn cảnh về phương pháp Giáo dục Phần Lan và việc hiện thực hóa phương pháp giáo dục Phần Lan tại Hệ thống giáo dục Tân Thời Đại qua chuỗi bài viết đến từ TS. Đào Thị Bình – Cố vấn chuyên môn hệ thống và ThS. Olli Kamunen - chuyên gia GD sớm – GDMN đến từ Phần Lan (người trực tiếp đào tạo và tham gia thực hành PPGD Phần Lan trên Chương trình GDMN QG tại Việt Nam; Giám đốc chuyên môn Trường Tiểu học Tân Thời Đại và Trường Mầm non Tân Thời Đại – Fun Academy (TTĐ- FAK) từ năm học 2020 – 2021).
1. Cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng, đồ chơi:
Thực tiễn triển khai cho thấy thiết bị đồ dùng, đồ chơi, các góc không cần quá khác biệt, hoàn toàn có thể theo Danh mục mà Bộ GD&ĐT Việt Nam qui định phù hợp với sự phát triển của trẻ từng độ tuổi. Yêu cầu về sự chân thực trong thiết kế các góc: góc học tập, góc gia đình, góc thư viện, góc xây dựng, góc đọc sách.v.v. và sự linh hoạt trong bố trí môi trường lớp học phù hợp chủ đề và sở thích của trẻ mỗi ngày là điều quan trọng việc thay đổi “môi trường giáo dục lớp học truyền cảm hứng” chính là dựa trên nguyên tắc vì đứa trẻ. Tất nhiên, nếu chúng ta có thể thiết kế các góc học tập chuẩn Phần Lan, với các góc đặc biệt, khác biệt như góc Cây, góc Núi, góc Đảo… thì việc chăm sóc giáo dục trẻ hoàn hảo hơn.
PPGD Phần Lan coi trọng cảm giác của trẻ nên góc Cây – góc tĩnh tâm là rất quan trọng. Trong thiết kế trường/lớp học Phần Lan thường có biểu tượng một cái cây lớn tỏa cành xuống vừa tầm để bao quanh trẻ (khi trẻ ngồi chơi dưới gốc cây) và thường được qui ước khi cần yên tĩnh, trẻ sẽ đến gốc cây ngồi yên lặng (thiền 2-3 phút) hoặc đọc sách, xem tranh, ... điểm cốt yếu là im lặng. Trẻ được tôn trọng quyền riêng tư, trẻ có thể ở đó cho đến khi trẻ muốn quay trở lại cùng hoạt động với các bạn và thầy cô.
CSVC ngoài bảo đảm các tiêu chí Bộ GD&ĐT qui định thì càng tiện lợi và hấp dẫn càng tốt. Các cơ sở GD có thể đầu tư thiết bị vệ sinh ngộ nghĩnh phù hợp giới tính của trẻ; bố trí các tiện ích giúp trẻ tự chăm sóc bản thân tốt nhất từ trong lớp ra hành lang và đến các khu sinh hoạt chung (chứ không phải để chăm sóc trẻ); trang trí không gian trần nhà, tường và hành lang phù hợp với chủ đề giáo dục trong năm. Và một trong những thông tin được truyền tải trên những không gian ấy là quyền trẻ em được qui định trong Hiến pháp, Pháp luật, Công ước Quốc tế (bằng các hình thức tranh vẽ, truyện kể hấp dẫn).
2. Đội ngũ, giáo viên, nhân viên
Đội ngũ GV, NV là yêu tố then chốt, trong đó GV là linh hồn của lớp học. Ở Phần Lan, giáo viên mầm non (giáo viên chính) phải có bằng thạc sĩ. GV được đào tạo bài bản, toàn diện. Các kiến thức được coi là nền tảng trong đào tạo GV nói chung và GVMN nói riêng là: Tâm lý học, giáo dục học, KHTN&XH. GV được đào tạo để xây dựng kế hoạch phát triển cá nhân (áp dụng cho từng trẻ); xây dựng chương trình dạy học theo lứa tuổi và thiết kế giáo án trên cơ sở Khung chương trình, gói gọn trên một trang giấy. Các công ty giáo dục và Công ty phần mềm của Phần Lan thiết kế ra các thiết bị thông minh, tài liệu bổ trợ, ... để giáo viên tự tìm hiểu, lựa chọn apps và phần mềm liên quan khi dạy học.
Khi hợp tác với Fun – Academy, TTĐ yêu cầu Phần Lan trên cơ sở CTGDMN quốc gia Việt Nam, thiết kế chương trình và giáo án chi tiết đến các chuỗi chủ đề, chuỗi hoạt động để GV Việt Nam tổ chức dạy học theo PPGD Phần Lan. Đây chính là phần việc mà theo nghiên cứu của TTĐ (trên các GV của mình và tại khu vực ngoại thành HN) các GV Việt Nam đang gặp khó khăn. Những khó khăn này có nguyên nhân sâu xa từ quan niệm của chúng ta về vai trò của GVMN và nghề nuôi dạy trẻ ở Việt Nam, từ chương trình đào tạo SPMN (chủ yếu và trong một thời gian dài là ở trình độ cao đẳng, trung cấp) thiên về thực hành chăm sóc trẻ.
Để thực hiện PPGD Phần Lan, đào tạo GV (đào tạo lại) là bắt buộc, và tốt nhất là đào tạo trực tiếp từ các chuyên gia giáo dục đến từ Phần Lan. Bên cạnh cung cấp các kiến thức lý thuyết nền tảng, bổ sung thiếu hụt trong chương trình đào tạo SP cho GV, NV, Hệ thống GD TTĐ hợp tác đào tạo với các chuyên gia thực hành GDMN đến từ Phần Lan, những chuyên gia được đào tạo bài bản, trưởng thành từ thực tế giảng dạy và làm CBQL nhà trường, có kinh nghiệm tập huấn GV quốc tế. Từ tháng 8/2018 – 8/2019, Tân Thời Đại đã tổ chức đào tạo do chuyên gia Phần Lan đến từ Fun – Academy và Đại học Quốc gia Helsinki hai đợt tập trung và đào tạo từ xa thường xuyên trong suốt năm học. GV cũng được đào tạo tiếng Anh và công nghệ để sử dụng trong dạy học. Nội dung đào tạo: Quan điểm, nguyên tắc và phương pháp giáo dục Phần Lan. Trong đó thấm quan điểm để vận dụng mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoạt động là quan trọng nhất. Trên toàn bộ môi trường giáo dục của MN TTĐ, GV thường xuyên nghe thấy, nhìn thấy và được giải thích cặn kẽ về các quan điểm, nguyên tắc và phương pháp giáo dục.
Nghiên cứu thực tiễn cho thấy GVMN ở Việt Nam thu nhập thấp, tính ổn định nghề nghiệp không cao (thậm chí là rất thấp và rất mất ổn định). Do những áp lực của cuộc sống và sự bất hợp tác hoặc hợp tác không hiệu quả từ gia đình và cộng đồng; do kiến thức nghề nghiệp không đầy đủ…, GV, NV bậc học MN thường có xu hướng nhảy việc (giữa các nhóm trẻ tư thục; từ các nhóm trẻ sang các trường tư thục; từ các trường quốc lập sang các trường tư thục…). Lý do chính được các GV, NV đưa ra khi dự tuyển là: lương thấp, không có bảo hiểm hoặc bảo hiểm ở mức thấp, môi trường áp lực vì số lượng trẻ/lớp đông, vì ứng xử của chủ trường với GV.v.v.
Vì vậy, khi xác định lựa chọn con đường Phần Lan – con đường khó, TTĐ đã hướng đến xây dựng đội ngũ bền vững, coi đây là yếu tố quyết định sự thắng lợi của công cuộc đưa Phương pháp Giáo dục Phần Lan về Việt Nam, về TTĐ. Hệ thống xây dựng các chính sách hướng đến sự ổn định và phát triển đội ngũ: mức lương khởi điểm; bảo hiểm xã hội; đào tạo trong nước và nước ngoài; thưởng cho các mục tiêu đào tạo và an toàn cho trẻ; hỗ trợ mua nhà; tham gia làm chủ cơ sở giáo dục.v.v.
3. Phụ huynh học sinh và quan điểm tay trong tay cùng chăm sóc giáo dục trẻ
Trong bối cảnh giáo dục trăm hoa đua nở và các PPGD ở Phần Lan hay nhiều nước khác cũng như ở Việt Nam, về mặt lý thuyết không có nhiều khác biệt, làm cho PH hiểu và đồng hành là không dễ.
Với mong muốn, phụ huynh nối tiếp quá trình All day learning với trẻ trong hoạt động chơi và các sinh hoạt cá nhân của trẻ khi ở nhà, Tân Thời Đại thực hiện:
- Chỉ tuyển sinh những trẻ mà cha mẹ cam kết đồng hành cùng nhà trường trên con đường Phần Lan;
- Đào tạo cho PH về chương trình, quan điểm, nguyên tắc và phương pháp GDPL thông qua các Hội thảo với chuyên gia; các phiên họp PH; các triển lãm sản phẩm giáo dục của trẻ;
- Tổ chức các camp/club Chương trình Phi hành gia rèn luyện (FAPC) với sự tham gia của PH và các con.
Phụ huynh tay trong tay với GV ngay từ đầu năm học bằng hành động thiết thực là cùng GV xây dựng kế hoạch phát triển cá nhân cho trẻ; thường xuyên chia sẻ thông tin về sự tiến bộ cũng như những khó khăn của trẻ trong quá trình phát triển; cùng GV đánh giá kết quả sau một năm học.
4. Kết quả ban đầu
Sau năm đầu thực hành phương pháp GDPL và các giải pháp về CSVC, về đội ngũ GV, NV và phụ huynh, từ thời điểm tháng 6/2018 đến tháng 8/2019:
- Qui mô trường học được mở rộng từ 1 trường thành 3 trường mầm non TTĐ; đã khởi công xây dựng thương hiệu trường học Phần Lan đầu tiên mang tên TTĐ – Fun Academy tại Hà Nội, tuyển sinh chính thức từ tháng 4/2020 chuẩn bị cho khai giảng năm học 2020 – 2021.
- Qui mô học sinh tăng bình tĩnh và chắc chắn từ 6 - 200 hs với những trẻ cha mẹ có cam kết đồng hành cùng nhà trường;
- Đội ngũ GV từ 6 gv, nv đến 60 gv, nv và đang tiếp tục tuyển dụng để chuẩn bị khai trương trường Phần Lan vào tháng 8/2020 (thường tuyển dụng GV trước 3 – 5 tháng để đào tạo);
- 100% GV, NV, bao gồm cả nhân viên Công ty, nhân viên nhà trường (VP, Y tế, đầu bếp, lao công, bảo vệ...) được đào tạo và cấp chứng chỉ bởi chuyên gia Phần Lan, về quan điểm, nguyên tắc, PPGD Phần Lan, với mức độ phù hợp đối tượng;
- 100% GV và hầu hết NV ngay trong năm học đầu tiên đã hiểu và làm tốt vai trò “Giáo viên là linh hồn lớp học”, dẫn dắt học sinh “học vui vẻ để vui vẻ học”.
Đánh giá chung kết quả đạt được sau hai năm 2018, 2019 cho thấy:
* Kết quả đạt được trên giáo viên, nhân viên
100% giáo viên và 90% nhân viên đã thực hành tốt:
Ba Không: Không ép ăn; Không ép ngủ; Không ép chơi
Bốn Có: Có thấy; Có hiểu, Có yêu thương; Có chu đáo ân cần
Năm thành: (1) Học tập theo hiện tượng/sở thích; (2) Học tập khi chơi và thông qua trò chơi; (3) Học cả ngày trong dòng chảy kiến thức liền mạch (Flow); (4) Học toàn diện kiến thức và kĩ năng sống; (5) Học để phát triển và quản lý bản thân như một Phi hành gia (gắn với nhân vật biểu tượng).
100% GV hiểu và khoảng 80% GV thực hiện tốt qui trình chăm sóc – qui trình yêu thương; qui trình giáo dục – qui trình vui vẻ.
* Kết quả trên trẻ:
- Hầu hết trẻ trải qua quá trình nhập học thuận lợi trong khoảng thời gian 3 – 5 ngày và khi vượt qua ngày thứ 2 tuần tiếp theo sau hai ngày nghỉ trẻ có sự hòa nhập bền vững;
- Hầu hết trẻ sau một tháng thân thiện với các GV và NV của trường và thân thiết với các bạn trong lớp, trong khối;
- Hầu hết trẻ tan học đều muốn tiếp tục chơi tại sảnh thể chất hoặc sân chơi của trường với bạn bè;
- Hầu hết trẻ hồn nhiên, tự tin khi giao tiếp với GV, NV và các PH khác;
- 100% trẻ tham gia hoạt động tập thể và nhảy chủ động khi có âm nhạc;
- 100% trẻ MG đạt yêu cầu về TV, TA, Toán, KHTN, thể chất; các trẻ MG nhỡ, MG lớn phản xạ ngôn ngữ tốt (chủ động giao tiếp tiếng Việt với cuộc thoại dài 2 - 4 cặp thoại; bật được từ TA phù hợp ngữ cảnh và các câu thoại ngắn). v.v.
5. Một số khuyến nghị
- Qua thực tế vận dụng PPGD Phần Lan trên Chương trình GDMN Quốc gia, cho thấy, CTGDMN Quốc gia có sự tương đồng khá lớn với CTGDMN PL, các lý thuyết về PPGD cũng không quá khác biệt. Điểm khác biệt lớn nhất là ở khâu tổ chức hoạt động và xây dựng, luân chuyển môi trường lớp học. Các cơ sở GD, cần tổ chức để GV thiết kết các chuỗi hoạt động và thực hiện trên thực tiễn tốt hơn.
- Đội ngũ GV là yếu tố then chốt – là linh hồn lớp học, cần được đào tạo bài bản và phù hợp với các quan điểm, nguyên tắc và phương pháp giáo dục mới; đào tạo để có kiến thức nền tảng về chương trình, tài liệu và PPGD, về tâm lý học, giáo dục học để có thể thực hiện đúng các quan điểm và PPGD mới; đào tạo trực tiếp từ các chuyên gia đến từ Phần Lan. Việc đào tạo này cần diễn ra thường xuyên thông qua môi trường nghe – nhìn và hỗ trợ kĩ thuật SP khi GV tổ chức hoạt động GD.
- Tiếng Anh và Công nghệ cần được xác định là hai kĩ năng quan trọng và được đào tạo bài bản để GV Việt Nam hội nhập, đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục nên những công dân toàn cầu.
- Điều kiện CSVC, thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho trẻ cần đầy đủ, phù hợp và thay đổi cùng với nhịp phát triển của trẻ theo từng độ tuổi.
Thay đổi căn bản, toàn diện từ gốc rễ của vấn đề là Đội ngũ và chính sách dành cho đội ngũ là yếu tố quyết định thành công và hạnh phúc của nền giáo dục trong tương lai./.
(Bài nghiên cứu đã trình bày tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam 2019 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – Bộ GGD&ĐT VN chủ trì)