Diễn đàn Giáo dục Phần Lan "Finnish Education Boot Camp" do Hệ thống Giáo dục Tân Thời Đại tổ chức ngày 21/3, đã mang đến chia sẻ, đánh giá khách quan nhằm đem đến bức tranh tổng thể về Giáo dục Phần Lan tại Việt Nam.
"Tôi thấy ở nhiều nơi đối xử với trẻ em một cách quá tệ. Điều đó không chỉ đến từ giáo viên mà từ ngay chính tư tưởng của phụ huynh. Bố mẹ cũng chỉ cần biết khi đón con về thấy sạch là được. Có khi cả ngày chẳng thơm, chẳng sạch, nhưng khi đón con thấy sạch thơm là phụ huynh vừa ý. Camera như thế nào đi chăng nữa rồi cũng có góc khuất và bố mẹ không thể giám sát đủ thời gian con ở trên lớp" - bà Lam nói.Bà Phạm Thị Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Tân Thời Đại cho hay, trong rất nhiều năm bà thuộc nhóm các giáo viên nghiêm khắc và lạnh lùng. Bởi bản thân bà được đào tạo trong một môi trường của những cuộc đua thành tích.
Khi biết đến giáo dục Phần Lan, bà được tiếp cận quan điểm “mọi đứa trẻ đều khác biệt và tất cả đều có quyền học những điều chúng cần trong cuộc sống”.
“Một trong những lý do mà chúng tôi chọn giáo dục Phần Lan ngoài triết lý là việc coi giáo viên là linh hồn của lớp học và chú trọng đến việc đào tạo giáo viên”, bà Lam nói.
Cùng với việc nhấn mạnh vai trò của giáo viên, thảo luận tại diễn đàn các chuyên gia giáo dục cùng cho rằng giáo dục Phần Lan có nhiều điểm tương đồng, gần gũi với chương trình giáo dục phổ thông mới ở Việt Nam. Đó là, học qua trải nghiệm, phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.
Ông Kari Kahiluoto - Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho hay, Phần Lan đạt được sự phát triển như hiện nay là nhờ vào giáo dục.
Sự khác biệt và cũng chính là điểm thành công của Phần Lan là vị trí của người giáo viên. Bởi người giáo viên ở Phần Lan rất được tôn trọng và đặc biệt được trả lương rất cao.
“Đó là một trong những ngành nghề đầu tiên và hàng đầu mà mọi người đều mong muốn được làm, bởi được trả lương cao”, ông nói.
Trình độ giáo viên của Phần Lan tối thiểu là đại học, thông thường là trình độ thạc sĩ. “Với việc trình độ giáo viên cao, họ cũng được trả lương cao và được xã hội rất tôn trọng là chìa khóa để giáo dục Phần Lan thành công”, đại sứ Phần Lan nhấn mạnh.
Ông Kari Kahiluoto - Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam
Chứng kiến sự hợp tác của Hệ thống giáo dục Tân Thời Đại và các tổ chức giáo dục Phần Lan, ông Kari Kahiluoto chia sẻ, ở Việt Nam hiện nay, hầu hết mọi người đang chú trọng vào bậc giáo dục phổ thông và mầm non. Ông rất mong muốn thời gian tới 2 nước có thể hợp tác nhiều hơn nữa về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề. “Phần Lan chúng tôi rất mạnh ở lĩnh vực này nhưng sự hợp tác về điều này chưa được thể hiện rõ ở Việt Nam. Hy vọng thời gian tới sẽ hợp tác hơn nữa”, ông Kari Kahiluoto nói.Ông Kari Kahiluoto cho rằng, trong những năm qua Việt Nam và Phần Lan đã có nhiều hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Hiện tại có hơn 30 dự án giáo dục Phần Lan tại Việt Nam đang được triển khai. Tuy nhiên, tình hình COVID-19 ảnh hưởng tới rất nhiều ngành nghề, gần đây có 2 trường của Phần Lan tại Việt Nam đã đóng cửa. Tuy nhiên, rất vui mừng khi chứng kiến Văn phòng Đại diện Wise Consulting Finland (WCF) - Phần Lan kí kết hợp tác với hệ thống giáo dục Tân Thời Đại.
Huyền Tâm
Nguồn: https://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/nhieu-ky-vong-sau-hop-tac-cua-giao-duc-tan-thoi-dai-3429447