Ngày...tháng...năm...
Con gần 3 tuổi, nói rất sõi tiếng Việt, rất tình cảm với ông bà ngoại ở VN. Mỗi năm đều gặp ông bà 2-3 lần, mỗi lần ít nhất 3 tuần đến 2 tháng, mỗi ngày đều gọi chat webcam với ông bà... Tình hình căng thẳng xảy ra khi lần này ông bà ở VN sang chơi hè. Con từ chối chơi với ông bà, và nói với mẹ là con ko thích ông bà ôm hôn, ko thích cách ông bà cười, ko thích chơi với ông. Mẹ để ý theo dõi thì thấy con có lí, mẹ họp kín với ông bà thì tình hình như sau :
- "ông bà phải hiểu là văn hóa ảnh hưởng đến thói quen và tính cách đứa trẻ lớn lên bên này, nên khi ông bà muốn ôm hôn cháu hay tham gia trò chơi cháu đang chơi nên hỏi ý kiến cháu, nhất là ông nên cạo râu vì làm hôn cháu làm cháu bị đau" ===> " Tôi còn đẻ ra mẹ cháu sao phải xin phép cháu"
- "Trẻ con bên này muốn được tôn trọng như người lớn, ko được chế nhạo hay cười to khi nhìn tụi nó chơi (Con kể mẹ nghe ông cười hô hô kêu "trồi trồi" - ý con là trời trời- khi con chơi xích đu cao và chơi nghịch cát cùng bạn) ===> " ông bà cười vậy vì hết hồn thấy nó đu cao quá với nghịch dơ quá"
- Ông rón rén vô bế cháu xuống giường khi cháu khóc lúc dậy buổi sáng, cháu hét lên "ông đi đi" thì ông lại càng quíu vì sợ làm mọi người thức giấc, ông cáu mẹ dạy con cho lắm vào giờ nó coi ông như người xấu ( mẹ dạy con nếu người nào có hành động rụt rè, nhìn quanh coi có bố mẹ ở gần con ko là người xấu, con phải hét lên cho người ấy đi xa)
- mẹ dạy con khi nào con ko thích ai làm gì mình kể cả ba mẹ thì con chỉ cần nói to "Jolie ko thích, ba/ mẹ dừng lại". Jolie thực hành với ông bà khi bị ông bà chụp lấy ôm hôn ngấu nghiến, thì ông bà nói " xin cũng kệ, ông bà cứ thích hun"
- Chuyện quan trọng: mẹ dặn con không ai được phép đụng vào cơ thể con, thấy quần áo của con trừ ba, mẹ, cô giáo và bác sĩ. Con từ chối cho ông /cậu/chú thay đồ để đi chơi, khi ba mẹ không ở đó, và con bắt phải gọi điện thoại cho mẹ để xin phép được thay đồ cho con. Ông ngoại đã rất giận mẹ điều đó, ông nói mẹ không tin ông.
Túm lại con méc nhiều mẹ chỉ nhớ từng đó, đã giải thích với con là ông bà là người mẹ tin tưởng giao cho trông con, thay tã, tắm rửa cho nên ông bà ko phải người xấu, mẹ sẽ nói ông bà là Jolie ko thích ông bà làm thế, thấy con chăm chú nghe mà hổng biết con hiểu ko
Ông bà rất lo lắng và tỏ ra kỳ thị khi thấy trong trường mẫu giáo của Jolie có "chú giáo" ( con gọi thầy giáo như thế). Ông bà nói đàn ông ai lại làm nghề trông trẻ, chắc cũng bệnh hoạn lắm, nguy hiểm cho con mình khi người đó thay đồ, rửa ráy cho con. Mẹ phải giải thích cho ông bà phải tuyệt đối tin tưởng vào giáo dục Phần Lan. Để làm giáo viên mẫu giáo họ phải có bằng Thạc sĩ về sư phạm. Họ phải vượt qua rất nhiều bài test tâm lý cũng như thể chất. Họ cũng phải học các kiến thức về tâm lý, thể chất của trẻ rất bài bản. Và Phần Lan là một nước bình đẳng, nhân quyền, hà cớ gì phụ nữ làm tổng thống được mà đàn ông không thể làm giáo viên mẫu giáo? Nhất là ngoại hình, khiếm khuyết cơ thể, sở thích cá nhân càng không phải yếu tố quyết định nghề nghiệp của họ, mà chính là tư chất, tâm huyết và kiến thức với nghề của họ sẽ xây dựng nên một nền tảng con người vững chắc cho xã hội.
Ở trường mẫu giáo, con được dạy rằng khi ngủ phải đắp chăn lên người (đầu năm học cô thông báo rằng cô và cha mẹ sẽ làm cho bé 1 cái chăn, được may ráp nối từ những mảnh quần áo cũ của bé, và của ba mẹ. Ba mẹ cắt sẵn các mảnh vải thành hình vuông, mang đến lớp, bé sẽ tự ráp theo bố cục bé thích với sự giúp đỡ đính ghim của cô, sau đó ba mẹ mang về tự may lại) để che thân thể lúc ngủ, vừa giữ ấm, vừa ý tứ.
Mẹ hy vọng mẹ sẽ là cầu nối cho những trở ngại về rào cản về văn hoá, giáo dục giữa con và ông bà, mọi người ở Việt Nam. Để mọi người hiểu rằng giáo dục ở Phần Lan không phải tự do buông thả, là Tây quá. Để con cũng không phán xét ông bà là lạc hậu, và con vẫn hào hứng cho mỗi chuyến về thăm quê hương Việt Nam của mình.