Người lớn vốn thường hay ngưỡng mộ, và đôi khi là cả… “ghen tị” với sự hồn nhiên và trong veo của trẻ thơ, khi nhìn các con thỏa thích tắm mưa, sung sướng chơi đùa cả buổi chỉ với một chiếc lá.
Thế nhưng trong những năm trở lại đây, những câu nói “Trẻ con bây giờ không như mình ngày xưa”, “Chúng nó chẳng hồn nhiên như hồi trước mình còn bé”, “Trẻ con gì mà…già sớm quá”… xuất hiện ngày một nhiều trong từng gia đình, từng cuộc trò chuyện. Bên cạnh đó, những vấn đề tâm lý xuất hiện ngày một nhiều với tần suất dày đặc hơn ở độ tuổi học đường, kèm theo đó là những hậu quả từ nhẹ là các biểu hiện stress đến nặng là những đứa trẻ tìm đường trốn chạy khỏi chính cuộc sống đã được cha mẹ trao tặng… khiến các bậc phụ huynh hoang mang, bối rối trước những mối nguy “vô hình” mà rất hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày.
Sự khác biệt giữa những thế hệ liệu có lớn đến vậy, và cách nào để ta có thể trang bị cho con một thứ “vũ khí” có thể giúp con tự bảo vệ khỏi những tác nhân gây stress, những rối loạn tâm lý hay những hội chứng nghiện như nghiện game, nghiện selfie, nghiện điện thoại… được coi là “đặc trưng” của Thời Đại Số?
____________________
Hai chữ MINDFUL và MIND FULL trong tiếng Anh được phát âm giống hệt nhau, song ý nghĩa của chúng lại chỉ hai trạng thái hoàn toàn trái ngược:
MIND FULL – tâm trí bị quá tải với lượng thông tin, với những cảm xúc, với những tác động từ thế giới bên ngoài… dường như đang là trạng thái phổ biến trong xã hội ngày nay, nơi mà trẻ em cũng như người lớn sống với áp lực phải liên tục cập nhật để không bị bỏ lỡ thông tin, không bị “lạc hậu” so với thời đại.
Song song với tiện nghi, với “thông tin trong tầm với”, thị giác và não bộ của con người bị tấn công liên tục bởi ánh sáng xanh và các bước sóng điện tử đến từ “the screens” – các màn hình to nhỏ đủ kích cỡ, từ tivi, máy tính, đến điện thoại, đồng hồ thông minh rồi màn hình quảng cáo cỡ đại, các ánh đèn nhấp nháy liên tục trong đô thị. Tất cả đều liên tục cập nhật những cái mới, cái sau “hấp dẫn”, “đáng xem” hơn cái trước, tất cả đều “không thể bỏ lỡ”, “có một không hai” khiến khả năng tập trung quá 30 phút rồi dần là 10 phút, 5 phút vào một thứ cố định đã trở thành điều không thể với những đứa trẻ. Ngày càng có nhiều trẻ bị đánh giá là thiếu tập trung, và dường như thầy cô, cha mẹ chỉ có cách gán luôn cái mác “thiếu tập trung” đó vào đứa trẻ, mà không lường được rằng, hệ lụy của việc không thể TĨNH lại đó là vô cùng to lớn đối với trẻ: trẻ mất đi khả năng LẮNG NGHE CHÍNH BẢN THÂN MÌNH và LẮNG NGHE THẾ GIỚI XUNG QUANH.
5 GIÁC QUAN của trẻ, ở thời đại số, đều không được nuôi dưỡng và rèn luyện để cảm nhận thế giới một cách thực tế. Thế giới bên ngoài đều được thu nhỏ qua màn hình máy tính và tivi, tước đi của trẻ những niềm vui tưởng chừng như đơn giản song lại là cả tuổi thơ của chính chúng: cảm giác làn gió mơn man trên tóc, tiếng mưa rơi tí tách hay ào ạt, mùi thơm dậy lên của những ngọn cỏ khi nằm xuống triền đê… Không biết cách nào khác để tìm những niềm vui, các con chỉ còn cách lại quay trở lại với thế giới của những chiếc màn hình.
Trẻ mất đi kỹ năng KIỂM SOÁT CẢM XÚC, bắt nguồn từ việc không biết chính xác mình đang cảm thấy thế nào, và đó được gọi tên là cảm xúc gì. Điều này khiến cho các con gặp khó khăn trong việc trình bày bản thân, và đôi khi có những hành động bộc phát trong các cơn hưng cảm (quá vui hoặc quá giận) hay không biết tìm đến sự giúp đỡ khi cảm xúc đang chạm đáy.
Trẻ cũng không lắng nghe được SUY NGHĨ của bản thân: việc tiếp xúc với khối lượng quá lớn các thông tin từ thế giới số mà không có kỹ năng chọn lọc, không có khả năng điều tiết khiến đứa trẻ mất dần kỹ năng phản biện: trẻ không có thời gian để kịp đặt ra câu hỏi nghi ngờ về những thông tin mà chúng nghe thấy, dần mất đi thứ gọi là CHÍNH KIẾN.
Tại những nước tiên tiến, nơi mà tư vấn tâm lý học đường hay việc gặp chuyên gia tâm lý khá phổ biến, người ta đang phải tiếp nhận ngày một nhiều những lời tâm sự thế này từ các bạn nhỏ. Ở những trẻ nhỏ hơn, tình trạng nghiện game, nghiện điện thoại hay chứng tăng động giảm chú ý, cũng tăng lên đáng báo động. Tất cả những thứ đó chỉ là những hậu quả đã rồi của việc không giảm tải kịp thời cho tâm trí, cũng như không có được một cơ chế, một kỹ năng TĨNH lại, để lắng nghe bản thân và cả thế giới xung quanh.
MINDFUL – theo định nghĩa của từ điển Oxford, là một trạng thái của tâm trí, đạt được bằng cách tập trung vào khoảnh khắc HIỆN TẠI, chấp nhận một cách bình thản những suy nghĩ và cảm xúc xuất hiện trong tâm trí mình, giúp cơ thể và não bộ thư giãn.
Theo bản tóm tắt và tổng hợp kết quả của các nghiên cứu khoa học về Tác động Mindfulness lên trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, được thực hiện bởi giáo sư Katherine Weare vào tháng 4 năm 2012, phối hợp với Trung tâm rối loạn Cảm xúc, trong khuôn khổ của dự án Mindfulness trong nhà trường, sau đây là những tác động của Mindfulness tới NÃO BỘ, TƯ DUY & CẢM XÚC của trẻ:
Ngoài ra, một số nghiên cứu khác như nghiên cứu của Napoli, Krech & Holley năm 2005 chỉ ra rằng ở những trẻ đặc biệt cần trợ giúp, kỹ thuật Mindfulness giúp giảm rõ rệt chỉ số căng thẳng và hành vi của chứng ADHD (tăng động giảm chú ý), tăng khả năng tập trung của trẻ.
QUẾ DUNG
Chuyên gia Tâm lý học
Hệ thống Giáo dục Tân Thời Đại
---------------------------------------
1. Davidson, R. J., & Lutz, A. (2008). Buddha's brain: Neuroplasticity and meditation [in the spotlight]. IEEE signal processing magazine, 25(1), 176-174.
2. Miners, R. (2008). Collected and connected: Mindfulness and the early adolescent (Doctoral dissertation, Concordia University).
3. Napoli, M., Krech, P. R., & Holley, L. C. (2005). Mindfulness training for elementary school students: The attention academy. Journal of applied school psychology, 21(1), 99-125.
4. Weare, K. (2012). Evidence for the impact of mindfulness on children and young people. The Mindfulness in Schools Project in association with Mood Disorders Centre.