Là một người gắn bó với toán học từ nhỏ, đã từng dành Huy chương Vàng môn toán Quốc tế, tốt nghiệp Tiến sĩ Toán tại Đại học Harvard, PGS.TS Lê Anh Vinh đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan tới toán học dành cho trẻ nhỏ. Và với tâm huyết của một nhà giáo dục, PGS.TS Lê Anh Vinh đã xây dựng riêng cho trường mầm non Tân Thời Đại một chương trình kích hoạt tư duy Toán học dành cho trẻ 4-6 tuổi. Các bài học trong chương trình giúp trẻ làm quen với các chủ đề số học, hình học, tổ hợp, logic, thống kê … một cách rất gần gũi và nhẹ nhàng từ đó khơi gợi cho trẻ sự hứng thú với môn học, giúp trẻ tiếp cận đến các khái niệm Toán học một cách tự nhiên nhất.
Chương trình được thiết kế dựa trên các mục tiêu về chuẩn đầu ra dành cho trẻ mẫu giáo Nhỡ và mẫu giáo Lớn theo yêu cầu của Bộ Giáo Dục và Đào tạo, đảm bảo để trẻ có được những kĩ năng đầy đủ trước khi bước vào lớp 1.
Chương trình được cụ thể hóa thành bộ tài liệu với những bài học cụ thể, được thiết kế sáng tạo, hấp dẫn, các ngữ liệu và hình ảnh sử dụng trong tài liệu gần gũi với cuộc sống thực của trẻ và đặc biệt, được tổ chức thành các trò chơi để trẻ tham gia hoạt động thay vì việc chỉ ngồi làm các phiếu về các con số hay kiến thức Toán học buồn tẻ.
Dù không hẹn trước, song cách tiếp cận Chương trình của PGS hoàn toàn phù hợp với quan điểm giáo dục của Mầm non Tân Thời Đại: “Học vui vẻ để vui vẻ học – Fun learning to be fun”.
Một vài ví dụ về chương trình, tài liệu:
Ví dụ 1: Bài học về định hướng trong không gian, thời gian (Lớp 4 tuổi)
Trong bài học này bé sẽ được học về trước – sau thông qua câu chuyện nhổ củ cải với hình ảnh minh họa. Dựa vào hình ảnh minh họa và lời kể, giáo viên sẽ hỏi trẻ liên quan đến phía trước, phía sau như: bà lão đứng phía trước ông lão hay phía sau ông lão… để giúp trẻ tự tư duy và tưởng tượng rồi đưa ra câu trả lời.
Cùng với các khái niệm trước – sau, các bé tiếp tục được tham gia hoạt động trò chơi như: các con hãy xếp bạn thỏ phía sau những cuốn sách – xếp bạn thỏ phía trước chiếc túi giấy….
Ví dụ 2: Bài học về Thống kê (5 tuổi)
Trong bài học này trẻ sẽ được làm quen với biểu đồ cột.
Cô vẽ một vòng tròn lớn lên bảng, trong đó cô đính một số hình ảnh quả hoặc con vật. Sau đó, cô vẽ biểu đồ thống kê lên bảng để trẻ có thể phần nào hiểu được nội dung chính của buổi học.
Trẻ lần lượt đếm số lần xuất hiện của mỗi loại quả (hoặc con vật) rồi tô màu số ô tương ứng ở cột hình đó. Hoặc đếm quả nào (con vật nào) thì gạch quả (hoặc con vật) đó trong vòng tròn rồi tô màu 1 ô ở cột hình đó và làm như vậy cho đến khi tất cả các hình trong vòng tròn đều được gạch bỏ.
+ Ví dụ, đếm được 3 quả lê thì ở cột hình quả lê, tô màu 3 ô. (Đếm theo loại.)
+ Hoặc đếm 1 quả lê, dùng bút gạch quả lê đó, rồi tô màu cho 1 ô trong cột quả lê. (Đếm lần lượt.)
Tiếp đến trẻ sẽ được tham gia các hoạt động khác nhau trong phiếu để thực hành thêm các nội dung đã được học.
Với cách tổ chức bài học như vậy PGS TS Lê Anh Vinh và các giáo viên đã khiến trẻ vận dụng tất cả các giác quan khi tham gia hoạt động; trẻ được thay đổi tư thế, hành vi, hoạt động và chủ động làm việc theo sở thích…Thực tế cho thấy trẻ không sợ học, mà thích học, vì thực ra trẻ hoàn toàn không biết mình đang được học và nhờ đó tư duy toán của trẻ được kích hoạt, phát triển một cách tự nhiên và trong sự thích thú, đam mê của trẻ.
Đào Thu Thảo
Trưởng Phòng QL&PT CTGD