Chuyến thăm Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội sẽ mở ra kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước

Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Phần Lan theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Anu Vehvilainen, phóng viên TTXVN tại châu Âu đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ nước ta tại Phần Lan Đặng Thị Hải Tâm về mối quan hệ song phương cũng như ý nghĩa của chuyến thăm và triển vọng hợp tác trong thời gian tới.

Đại sứ nước ta tại Cộng hòa Phần Lan Đặng Thị Hải Tâm. Ảnh: TTXVN

Theo Đại sứ Đặng Thị Hải Tâm, Việt Nam và Phần Lan duy trì và phát triển tích cực mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hữu nghị, thủy chung trong suốt 48 năm qua từ ngày 25/1/1973. Đại sứ quán Phần Lan thành lập tại Hà Nội năm 1974 và Việt Nam mở Đại sứ quán tại Phần Lan năm 2005. Phần Lan đã tích cực ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay. Hai nước tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương quốc tế. Phần Lan coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.

Trong hơn 4 thập kỷ, Phần Lan luôn coi Việt Nam là một trong các đối tác ưu tiên trong việc phân bổ nguồn hỗ trợ phát triển không hoàn lại không điều kiện với tổng giá trị hơn nửa tỷ euro. Sự giúp đỡ của Phần Lan với Việt Nam đi vào các lĩnh vực hết sức thiết thực như xây dựng hệ thống nước sạch, xóa đói giảm nghèo, khai thác và bảo tồn tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu, giáo dục đào tạo….Với những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam về kinh tế và xã hội, Phần Lan vui mừng đánh giá các khoản hỗ trợ phát triển của bạn dành cho Việt Nam đã được thực hiện hiệu quả. Khi Việt Nam đạt tới ngưỡng phát triển của nước có thu nhập trung bình thấp, quan hệ hai nước đi vào giai đoạn chuyển đổi, chuyển dần từ hợp tác phát triển sang quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác kinh doanh cùng có lợi.
Hợp tác kinh tế là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ song phương hiện nay. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước tăng liên tục qua các năm mặc dù giá trị tuyệt đối không thật lớn do quy mô dân số của Phần Lan chỉ ở mức hơn 5,5 triệu dân. Năm 2020, kim ngạch hai chiều đạt 337,4 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu 196,6 triệu USD và xuất khẩu 140,8 triệu USD. Về đầu tư, tính đến tháng 6/2021, Phần Lan có 29 dự án có hiệu lực với số vốn đăng ký 23,632 triệu USD, đứng thứ 70/140 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Đại sứ Đặng Thị Hải Tâm cho rằng, trong thời gian tới, hai bên cần khai thác triệt để tính bổ sung của hai nền kinh tế cho giai đoạn mới trong phát triển kinh tế. Phần Lan là đất nước có chỉ số sáng tạo đứng hàng đầu châu Âu với các công nghệ mới, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới. Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, có khả năng chế tác chế tạo, có mạng lưới các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) phủ rộng khắp toàn cầu, có mối quan hệ đối ngoại hòa bình với tất cả các nước trên thế giới. Những yếu tố này sẽ giúp hàng hóa sản xuất ở Việt Nam bằng công nghệ Phần Lan có thể đến khắp nơi trên thế giới.

Tháng 1/2021, Hiệp định khung về triển khai công cụ hỗ trợ đầu tư công của Phần Lan tại Việt Nam có hiệu lực, theo đó Chính phủ Phần Lan sẽ hỗ trợ lên tới 100 triệu euro cho các doanh nghiệp Phần Lan có hợp tác với Việt Nam ở các lĩnh vực mà Phần Lan có thể mạnh như công nghệ môi trường (xử lý rác thải thành điện, năng lượng sạch…), đô thị thông minh, các giải pháp chuyển đổi số, y tế, đào tạo, công nghệ mới… Số lượng sinh viên Việt Nam học tập hằng năm tại Phần Lan gần 2.500 người và cộng đồng người Việt tại Phần Lan hơn 10.000 người sẽ là các cầu nối quan trọng để duy trì và phát triển quan hệ song phương hai nước trong thời gian tới.

Phần Lan còn là địa điểm khởi nghiệp thành công của một số doanh nhân trẻ người Việt. Phần Lan cũng là nơi mà người lao động Việt Nam có thể nhắm tới trong lĩnh vực nông nghiệp và điều dưỡng. Từ năm 2020, một số địa phương của Phần Lan bắt đầu triển khai chương trình tạo cơ hội học tập miễn phí cho học sinh trung học Việt Nam đủ tiêu chuẩn sang học tại Phần Lan bằng tiếng Phần Lan với mục đích cư trú làm việc lâu dài để bù đắp thiếu hụt lao động của tình trạng già hóa dân số. Bộ Ngoại giao Phần Lan cũng đang triển khai chương trình thu hút tài năng (Talentplus) hướng tới thị trường Việt Nam nhằm thu hút nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao… cho các doanh nghiệp Phần Lan.

Về quan hệ nghị viện, trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam và Phần Lan vẫn duy trì quan hệ thông qua trao đổi một số đoàn lãnh đạo và các cơ quan của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội ta thăm Phần Lan năm 1993; Chủ tịch Quốc hội Phần Lan thăm Việt Nam năm 2010. Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, hai bên duy trì tiếp xúc, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị Đối tác nghị viện Á-Âu (ASEP).

Đề cập chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đại sứ Đặng Thị Hải Tâm nhấn mạnh, chuyến thăm của Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, là chuyến thăm đầu tiên của một đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước ta đến khu vực châu Âu từ sau Đại hội Đảng XIII và kết thúc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV.

Theo Đại sứ, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Phần Lan nhằm thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng XIII, mở rộng đối ngoại nhân dân- một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại. Bên cạnh việc vận động bạn sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVIPA), chuyến thăm góp phần xây dựng quan hệ ở cấp lãnh đạo chủ chốt của nước ta với các nước. Mục tiêu ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế cũng là trọng tâm của chuyến thăm; thông qua thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và Phần Lan nói riêng và quan hệ Việt Nam với khu vực Bắc Âu nói chung, Việt Nam sẽ thu hút công nghệ mới, tiên tiến hàng đầu thân thiện với môi trường cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Ngoài việc duy trì củng cố các lĩnh vực hợp tác truyền thống, lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi nhằm khai thác hiệu quả hơn tính bổ sung giữa hai nền kinh tế.

Chuyến thăm vào thời điểm hiện tại còn góp phần vận động các nguồn lực từ châu Âu hỗ trợ Việt Nam chống dịch COVID-19 và thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế thông qua thu hút các dự án mới đầu tư, hợp tác vào Việt Nam. Cộng đồng người Việt tại Phần Lan rất vinh dự và tự hào được đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Phần Lan, chuyến thăm là nguồn cổ vũ, động viên, quan tâm của Đảng và Nhà nước với người Việt ở Phần Lan.

Đại sứ Đặng Thị Hải Tâm nhấn mạnh, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Phần Lan sẽ mở đầu cho một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước, theo đó hai bên tăng cường gắn kết các thành phần kinh tế năng động của hai nước cho sự phát triển chung, cùng có lợi. Hiện nay, các doanh nghiệp và tổ chức Phần Lan có rất nhiều sáng kiến, giải pháp có thể giúp Việt Nam phát triển theo hướng đi tiên phong trong kinh tế toàn cầu hay có giải pháp cải thiện hiệu quả hơn nữa các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Việt Nam cũng là thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp Phần Lan.

Các cuộc tiếp xúc dầy đặc của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên đoàn công tác với các lãnh đạo cao nhất của Phần Lan, các lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo của các vùng kinh tế sôi động ở Phần Lan sẽ thúc đẩy để nhiều dự án được triển khai trong thời gian tới.

Mạnh Hùng (TTXVN)

Tin liên quan
CHƯƠNG TRÌNH TIỀN TIỂU HỌC CHUẨN PHẦN LAN - HÀNH TRANG TỰ TIN CHO TRẺ VÀO LỚP MỘT
Tại Phần Lan - một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về chất lượng giáo dục, đặc biệt là Giáo dục sớm, chú trọng 10 năm đầu đời - là giai đoạn quan trọng nhất, tạo nền tảng phát triển kiến thức, kĩ năng cho trẻ ở những bậc học cao hơn.
Vì sao nên du học Phần Lan ngay từ bậc THPT?
Phần Lan, đất nước của những hồ nước xanh ngắt và nền giáo dục hàng đầu thế giới, luôn là một điểm đến hấp dẫn cho du học sinh. Đặc biệt, du học Phần Lan từ bậc THPT mang đến những lợi thế vô cùng lớn, hãy cùng Tân Thời Đại tìm hiểu qua bài viết sau đây:
5 YẾU TỐ ĐEM LẠI SỰ AN TOÀN KHI DU HỌC PHẦN LAN BẬC THPT VỚI CHƯƠNG TRÌNH SAFE
Việc lựa chọn du học Phần Lan bậc THPT là một quyết định quan trọng đối với học sinh và gia đình. Để đảm bảo chất lượng học tập tiếng Phần, chương trình SAFE do Tân Thời Đại triển khai mang đến nhiều điểm nổi bật và lợi ích đáng chú ý. Dưới đây là 5 yếu tố giúp chương trình SAFE đảm bảo sự an toàn và thuận lợi cho học sinh du học Phần Lan:
BÍ QUYẾT ĐỂ HỌC SINH KHỐI 9-11 CÓ THỂ BAY TỚI PHẦN LAN DU HỌC NHANH VÀ AN TOÀN HƠN BAO GIỜ HẾT
Chương trình du học Phần Lan bậc THPT đã và đang đem đến cho học sinh Việt Nam cơ hội tuyệt vời được trải nghiệm nền giáo dục hàng chất lượng hàng đầu thế giới với chi phí thấp. Học sinh được miễn 100% học phí cùng cơ hội tiếp tục miễn học phí ở bậc Đại học. Học sinh khối 8-11 là phù hợp nhất để tham gia chương trình này.
GIÁO DỤC TRỌN ĐỜI - ĐIỂM KHÁC BIỆT CỦA GIÁO DỤC PHẦN LAN
Giáo dục Phần Lan nổi tiếng với chất lượng cao và tính toàn diện. Một trong những đặc điểm nổi bật của hệ thống giáo dục này chính là khái niệm "giáo dục trọn đời" (Lifelong learning). Hãy cùng Tân Thời Đại khám phá xem điều gì khiến giáo dục Phần Lan trở nên đặc biệt như vậy?
GẶP KHÓ KHI HỌC TIẾNG PHẦN ONLINE, NHIỀU PHỤ HUYNH TÌM ĐẾN CHƯƠNG TRÌNH SAFE CỦA TÂN THỜI ĐẠI
Tiếng Phần là một trong những điều kiện quan trọng nhất để học sinh tham gia chương trình du học Phần Lan bậc THPT, đây cũng là yếu tố thách thức khi học 100% online. Nhiều phụ huynh đã tìm đến chương trình SAFE của Tân Thời Đại như một giải pháp an toàn cho hành trình du học bởi học sinh được học trực tiếp tiếng Phần và các chương trình hội nhập, kỹ năng sống quan trọng khác.